Đàn gảy tai trâu. Trách đàn hay trách trâu?

Dường như câu này đang bị hiểu lầm ý nghĩa của nó.

“Mày nói nó làm gì, đàn gảy tai trâu thôi.”

Thường thấy mọi người dùng câu này để chê trách vế ‘con trâu’ nhiều hơn. ‘Con trâu’ này một là không đủ trình độ để hiểu, hai là nó bận ‘gặm cỏ’ nên thấy tiếng đàn kia không làm no mình được, nên cóc thèm quan tâm. Bởi vậy mới có kiểu chê bai ‘con trâu’ này và đừng phí nước bọt cho nó.

Lật lại một chút, vậy do con trâu dở hơi hay thằng gảy đàn dở hơi. Gảy bất chấp khán giả có nghe hay không, có hiểu hay không. Nhận ra rằng phí sức của mình rồi quay sang con trâu chửi rủa như bình phong che chắn để thấy mình đỡ dở hơi.

Ai đó nói với tôi rằng, đừng cố giải thích với những người không hiểu hoặc không quan tâm đến câu chuyện. Có cố gắng mấy thì cũng tốn câu vô ích thôi. Gảy đàn đến mức gãy tay thì con trâu nó vẫn nhởn nhơ nhai cỏ. Người ngoài nhìn vào, chưa biết ai dở hơi hơn, nhìn một đứa tốn công còn đứa còn lại nhe răng cười.

Bạn bè thân nhau lắm, khuyên nó đừng quá ba lần nếu nó không nghe. Ba lần là đủ, có nói thêm chỉ sứt mẻ tình bạn.

Người dưng thì chỉ cần đúng một lần rồi thôi.

Giải thích nhiều không hiểu, trâu điên lên nó húc ráng chịu.